Dù thanh khoản chưa mấy khởi sắc, nhưng việc dịch chuyển của dòng tiền vào nhóm cổ phiếu lớn, ngân hàng tạo động lực lớn cho thị trường đi lên. Nhóm vốn hoá lớn hút dòng tiền giúp tâm lý nhà đầu tư được củng cố, hỗ trợ sắc xanh lan toả gần 300 mã trên HoSE.

Các mã ngân hàng, đặc biệt là nhóm Big4 quốc doanh (VCB, BID, CTG) bứt phá. Riêng VCB đóng góp gần 3 điểm, BID cũng mang về 2,6 điểm. Mức tăng của nhiều mã nhà băng như LPB, HDB, BID… lên tới 4-6%. Dòng tiền đổ mạnh vào nhóm này, thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 2.000 tỷ đồng.

Ngoài cổ phiếu ngân hàng, lực kéo từ nhóm VN30 cũng đáng chú ý, với 26/30 cổ phiếu tăng giá. HDB tăng mạnh nhất 4,3% sau khi HDBank vừa chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 30%. Hiện, đây là mức cổ tức cao trong nhóm ngân hàng năm nay.

Cổ phiếu ngân hàng ngập trong sắc xanh.

Hầu hết nhóm ngành phục hồi trong bối cảnh tâm lý thị trường được cải thiện. Bất động sản, vật liệu giao dịch tích cực. SMC của nhóm thép tăng trần. Loạt cổ phiếu như HSG, NKG, HPG, TVN, TLH… cùng tăng giá. Giao dịch của cổ phiếu thép tích cực hơn kể từ thời điểm có thông tin Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Chứng khoán BSC kỳ vọng sớm nhất vào tháng 12/2024 áp thuế chống bán phá giá tạm thời. Đây sẽ là động lực tăng giá cổ phiếu ngành thép trong nửa cuối năm 2024-2025...

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa công bố danh sách bổ sung chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Với việc thêm DSE của CTCP Chứng khoán DNSE vào danh sách, số lượng cổ phiếu bị cắt margin trên HoSE tính đến 2/7 là 87 mã. Cổ phiếu DSE không đủ điều kiện ký quỹ do có thời gian niêm yết dưới 6 tháng.

Trong 87 cổ phiếu bị cắt margin, một số mã đáng chú ý như VTP, FRT, HVN, SMC, HBC, HAG, FIT, FCN, DXS, DLG, CRE, APH... Nguyên nhân phổ biến khiến cổ phiếu bị cắt margin là chứng khoán thuộc diện cảnh báo/kiểm soát/hạn chế giao dịch; lợi nhuận sau thuế là số âm, báo cáo kiểm toán có ý kiến của đơn vị kiểm toán; thời gian niêm yết dưới 6 tháng…

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 15,23 điểm (1,21%) lên 1.269,79 điểm. HNX-Index tăng 2,24 điểm (0,94%) lên 240,8 điểm. UPCoM-Index

Thanh khoản tương đương phiên trước với giá trị khớp lệnh 12.350 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại tích cực hơn đáng kể, quy mô bán ròng thu hẹp chỉ còn 30 tỷ đồng, thấp nhất trong gần 1 tháng trở lại đây. Ở chiều bán ròng, áp lực giảm đi đáng kể, trong khi vốn ngoại bất ngờ mua mạnh DSE hơn 191 tỷ đồng.

Việt Linh